Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn ngày nay tiền thân là Đội vệ sinh phòng dịch địa điểm đầu tiên tại trụ sở TTYT huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La ngày nay, là Trung tâm kết nối các khu dân cư đông đúc của huyện Mai Sơn và các khu vực lân cận. Thành lập vào năm 2006 được đổi tên thành Trung tâm Y tế dự phòng và năm 2009 được đổi tên thành Trung tâm Y tế.
Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm Ban Lãnh đạo có: 01 Giám đốc Bs Nguyễn Đăng Quang và 01 Phó Giám đốc Bs Mùi Huy Dưỡng. Đến năm 2007 đơn vị được bổ sung thêm 01 đồng chí Phó Giám đốc Bs Đặng Khắc Thuật.
Các khoa, phòng chuyên môn có 02 phòng: Hành chính - Tổng hợp, Truyền thông; 04 khoa chuyên môn: Kiểm soát dịch bệnh, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Y tế công cộng, Chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Tổng biên chế của Trung tâm Y tế gồm: 178 cán bộ. Trong đó: Trình độ Đại học 24 người chiếm 13,48%; Trung cấp 117 người chiếm 65,74%; Sơ cấp 37 người chiếm 20,78%.
Cơ sở vật chất ban đầu là 2 tòa nhà cấp 4, trang thiết bị y tế được trang bị còn nhiều thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.Đến năm 2017 đơn vị được đầu tư xây dựng toà nhà làm việc 03 tầng, được trang bị thêm một số thiết bị y tế phục vụ cho công tác chuyên môn.
Đến 31/7/2012 Bs Nguyễn Đăng Quang nghỉ hưu. Từ ngày 22/8/2012 BsCK I Mùi Huy Dưỡng được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế. Tháng 11/2012 trung tâm được bổ sung 01 Phó Giám đốc Ths,Bs Nguyễn Minh Loan.
Thực hiện Quyết định số 1312/ QĐ-UBND ngày 06/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc sáp nhập Trung tâm Dân số KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Tháng 7/2018 Trung tâm Dân số KHHGĐ huyện sáp nhập vào Trung tâm Y tế, đến tháng 10/2018 biên chế y tế học đường của các trường học trên địa bàn huyện sáp nhập vào Trạm Y tế các xã, thị trấn.
Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: Ban Lãnh đạo 01 Giám đốc và 02 Phó Giám đốc; 07 khoa phòng chuyên môn: Phòng Hành chính - Tổng hợp, Dân số - Truyền thông; Khoa Khám bệnh - Xét nghiệm - Dược; Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS; Y tế công cộng; An toàn thực phẩm; Chăm sóc sức khoẻ sinh sản-KHHGĐ và 22 Trạm Y tế các xã, thị trấn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Tổng biên chế đơn vị tính đến 31/12/2018: 197 cán bộ. Trong đó Trình độ đại học: 53 người chiếm 26,9%; Cao đẳng 4 người chiếm 2,03%; Trung cấp 137 người chiếm 69,54%; Sơ cấp 3 người chiếm 1,53%.
Đến ngày 30/9/2019 BsCKI Đặng Khắc Thuật điều động sang Bệnh viện Phổi tỉnh Sơn La.
Tháng 9/2021 bổ nhiệm mới 01 Phó Giám đốc BsCKI Dương Đại Long từ nguồn nhân sự tại chỗ.
Tháng 5/2022 BsCKI Mùi Huy Dưỡng nghỉ chế độ hưu trí theo quy định. Từ tháng 6/2022 - 5/2023 ThsBSC Nguyễn Minh Loan được giao quyền phụ trách TTYT huyện.
Từ tháng 6/2023 đến nay đồng chí Nguyễn Thanh Hải được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Y tế.
Từ tháng 6/2024 thực hiện Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh Sơn La Trung tâm Y tế được chuyển về trực thuộc UBND huyện Mai Sơn quản lý. Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: Ban Lãnh đạo 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc, 05 khoa, phòng chuyên môn: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Khoa Khám bệnh - Xét nghiệm - Dược; Truyền nhiễm - Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS; Y tế công cộng - Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm; Dân số - Truyền thông - Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và 22 Trạm Y tế các xã, thị trấn. Biên chế cán bộ, viên chức đơn vị hiện có là: 188 cán bộ. Trong đó: Trình độ sau đại học 14 chiếm 7,45%, Đại học: 84 chiếm 44,68%, Cao đẳng 24 chiếm 12,77%, Trung cấp 65 chiếm 34,57%, sơ cấp1 chiếm 0,53%.
Trải qua quá trình phấn đấu, xây dựng, trưởng thành. các thế hệ cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Để đạt được những thành quả đó, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức, người lao động của Trung tâm mà còn phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh , huyện và Sở Y tế Sơn La. Trung tâm Y tế Mai Sơn đã triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia. Trong đó nổi bật là chương trình tiêm chủng mở rộng, thanh toán bại liệt, phòng trừ uốn ván sơ sinh, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, y tế học đường và phun thuốc khử trùng, phòng chống dịch bệnh cùng nhiều chương trình y tế khác đều được Trung tâm triển khai hiệu quả, đảm bảo không để xẩy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, Trung tâm Y tế Mai Sơn đã sử dụng triệt để, phát huy hiệu quả các kênh thông tin tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống và phát hiện các bệnh thường gặp. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân trồng và sử dụng cây thuốc nam tại vườn, sử dụng các loại rau xanh trong bữa ăn hàng ngày kết hợp làm thuốc trong phòng chống dịch bệnh. Cùng với việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và phòng chống bệnh không lây nhiễm cũng được Trung tâm chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ; phối hợp với các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thực hiện các biện pháp can thiệp và đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp để từng bước giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm.
Đến nay, Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn đang từng bước lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng phục vụ với các hoạt động trên nhiều lĩnh vực như phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cộng đồng, sức khỏe môi trường, sức khỏe lao động, y tế trường học; phòng chống tai nạn thương tích; giám sát bảo đảm chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt; xét nghiệm an toàn thực phẩm, quản lý, sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế; phòng chống ký sinh trùng và côn trùng; các hoạt động nâng cao sức khỏe, phòng chống các yếu tố nguy cơ tác động lên sức khỏe; khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm và quản lý, điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; phòng chống HIV/AIDS và Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; truyền thông giáo dục sức khỏe; chăm sóc sức khỏe sinh sản; chỉ đạo hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về các lĩnh vực Y tế dự phòng cho 22 trạm Y tế xã, thị trấn. Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động truyền thống trong quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị qua các thời kỳ. Việc nghiên cứu khoa học được thực hiện ở 100% các khoa, phòng trên toàn bộ các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong những năm tới, công tác Y tế dự phòng tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường có thể xâm nhập vào nước ta; các bệnh không lây nhiễm ngày càng là gánh nặng đối với đời sống xã hội; việc cải thiện dinh dưỡng trong cộng đồng đặc biệt là gánh nặng dinh dưỡng kép: tình trạng suy dinh dưỡng trẻ và béo phì ở trẻ em đang là thách thức lớn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát đảm bảo chất lượng nước ăn uống sinh hoạt ngày càng phải được cải thiện…
Nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức quyết tâm thực hiện được nhiệm vụ với các giải pháp là:
+ Tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thông qua đào tạo, tập huấn.
+ Triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh phòng chống bệnh dịch.
+ Xây dựng hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Chủ động xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm, ưu tiên bệnh liên quan đến môi trường, nghề nghiệp, y tế học đường, các bệnh về dinh dưỡng, ...
+ Ưu tiên phát triển các kỹ thuật công nghệ cao phục vụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh các dịch bệnh nguy hiểm.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động; đẩy mạnh xã hội hóa y tế dự phòng, đầu tư phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao và an toàn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Để thực hiện được những giải pháp trên, Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện và Sở Y tế Sơn La, sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ các đơn vị Y tế khác, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành. Với bề dày truyền thống 18 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm tiếp tục phấn đấu xây dựng và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Y tế Dự phòng, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.